Ai có thể phủ nhận rằng, ngày nay người ta nói nhiều đến nhân quyền, về sự độc lập và dân chủ, nếu những thuật ngữ này không được viết bằng chính những sự kiện lịch sử, bằng sự "tù đày" của những người can đảm khai phóng đã dám can đảm chống lại những thể chế chính trị độc tài, vốn thường thủ tiêu hay hạn chế quyền con người và đàn áp dân chủ...
"Le tombeau des héros est le cœur des vivant" (André Malraux)
"Mộ phần của những người anh hùng là con tim của những người sống", nhận định của nhà văn và chính trị gia André Malraux như muốn khẳng định một điều: Những người anh hùng không bao giờ chết trong trái tim nhân dân, và nấm mộ của họ, có thể nói, như một hạt giống nhiệm mầu đang ấp ủ sự sống, niềm hy vọng, chờ ngày nứt hạt đâm chồi.
Đã có không ít những lời kết tội của báo chí truyền thông chính thống của chính quyền, cũng không thiếu những bài viết của những "ngòi bút được trả tiền" chỉ trích, thậm chí mạt sát những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, như thể việc làm của họ là vô nghĩa và rồ dại. Nếu đứng trên bình diện quan điểm an phận, chấp nhận kiểu "bình ổn" chính trị, thì rõ ràng họ là những người thua cuộc, và những rủi ro, thậm chí bị sách nhiễu, đánh đập và tù đày mà họ đang hứng chịu, chẳng khác nào một sự "sáng mắt, quả báo" rất thực tế và rất thời sự. Và nếu suy nghĩ này trở nên phổ biến như thể một triết lý khôn ngoan của cách hành xử trong xã hội thực dụng hôm nay, thì có lẽ, người ta sẽ không còn bao giờ biết đến những anh hùng.
Nếu anh hùng là những người can đảm "dám làm những điều mà người khác không dám, để không phải mưu cầu lợi ích cho cá nhân hay một đảng phái, nhưng là nhằm đến lợi ích của dân tộc, của chính quyền lợi từng người dân", thì hành động của họ không bao giờ là chỉ dừng lại ở con số KHÔNG tròn trĩnh và khắc nghiệt, dù trong thực tế, những bất lợi xem ra là số âm. Trái lại, như những hạt giống dù rất âm thầm, một khi đã được gieo vào trong mảnh đất suy nghĩ của con người, nó lặng lẽ bám trụ, qua thời gian, đợi mưa thuận gió hòa, nó sẽ đâm chồi. Ai có thể phủ nhận rằng, ngày nay người ta nói nhiều đến nhân quyền, về sự độc lập và dân chủ, nếu những thuật ngữ này không được viết bằng chính những sự kiện lịch sử, bằng sự "tù đày" của những người can đảm khai phóng đã dám can đảm chống lại những thể chế chính trị độc tài, vốn thường thủ tiêu hay hạn chế quyền con người và đàn áp dân chủ. Cách đây 15 năm, những tiếng nói phản biện sự lãnh đạo độc tài của Đảng cộng sản chỉ là những tiếng rên xiết rất đau đớn, nhưng rất khẽ khàng, rất nhỏ. Ngày nay, người ta, dù không thể tự do, nhưng trong suy nghĩ, trong những bài viết trên mạng, trong những buổi họp mặt thân hữu, họ đã dám nói. Hạt giống đã nảy mầm.
Những bài học về lịch sử, về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, không bao giờ chỉ đơn thuần trên sách vở. Và nếu nó có bị bóp méo bởi những định hướng chính trị, thì thực tế cuộc sống luôn cho một câu trả lời trong sáng và thật hơn. Trong dòng chảy này, tiếng nói phản biện của những người anh hùng luôn là những khởi đầu đáng trân trọng.
Nếu lịch sử là một sự chuyển động không ngừng, thì những vết hằn nơi bánh xe ấy lăn qua trong trường thời gian, sẽ luôn được đọc lại, với những tên tuổi của những con người đang âm thầm góp sức mình viết lên những bài học lịch sử. Tôi mơ thấy một trang sử của tương lai :"Trong những ngày tháng khi Việt Nam phải đối mặt với những lấn lướt của Trung Quốc về sự toàn vẹn lãnh thổ, khi chính phủ thân Trung Cộng tìm cách che đậy những thỏa ước nhượng bộ, thì đã có rất nhiều nhân sĩ trí thức biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, dù họ bị đàn áp và quấy nhiễu..."
Hoa Mặt Trời - Gửi Danlambao